Đang cập nhật
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật Thuế trước hết nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị (Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016), Quốc hội (Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016), Chính phủ (Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016), Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017) và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020 đã đề ra.
Việc cải cách chính sách thuế cũng để đáp ứng, tương thích với những nội dung ưu đãi mà các luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản… để góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới, trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi, qua đó góp phần mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.
Nguyên tắc của việc sửa các luật thuế là đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung sửa những bất cập so với thực tế, thống nhất với hệ thống pháp luật. Đồng thời, việc sửa luật cũng đảm bảo mục tiêu hội nhập, phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán...
Khắc phục bất cập trong quản lý, tạo thuận lợi cho người nộp thuế
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, hiện nay các luật thuế nêu trên đang tồn tại một số vướng mắc cần được khắc phục kịp thời.
Cụ thể như, Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) có vướng mắc đáng kể về đối tượng không chịu thuế như phân bón, máy móc cho nông nghiệp, chuyển quyền sử dụng đất… Mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Một số hàng hoá dịch vụ như nước sạch, hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục thể thao, phim ảnh… đã được xã hội hoá mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế suất thuế GTGT là 5% là chưa bình đẳng với các lĩnh vực khác. Việc quy định thuế suất 5% với những hàng hoá có thể sử dụng đa mục đích dẫn đến không thống nhất trong thực hiện.
Trong hoàn thuế, quy định không hoàn thuế với những sản phẩm xuất khẩu chế biến từ tài nguyên khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên gây phức tạp trong thực hiện. Cùng với đó, quy định không hoàn thuế với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào luỹ kế âm liên tục nhiều kỳ khiến DN thêm khó khăn vì tăng chi phí thuế.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế hiện hành chưa quy định rõ thế nào là xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện và mức thuế suất với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng hiện còn thấp, dẫn tới nhiều trường hợp mua xe theo diện này để tiêu dùng cá nhân.
Rà soát các chính sách ưu đãi
Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế TNDN hiện hành vẫn còn một số nội dung cần hoàn thiện để đáp ứng tình hình mới như chưa có quy định khống chế chi phí được trừ đối với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu, từ đó chưa đảm bảo bình đẳng giữa DN sử dụng vốn chủ sở hữu để kinh doanh với DN sử dụng vốn vay, đồng thời không đảm bảo an toàn tài chính của DN. Luật chưa có sự rà soát và xác định các lĩnh vực, địa bàn cần tiếp tục ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển giai đoạn tới, như ưu đãi thuế với lĩnh vực công nghệ cao (CNC), khoa học công nghệ (KHCN) theo Luật CNC, Luật KHCN, ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu CNC… ; dự án đầu tư công nghệ thông tin, hoạt động đầu tư cải tạo chung cư cũ…
Với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), một số quy định tại Luật Thuế TNCN hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn cho công tác quản lý thuế. Chưa có chính sách phù hợp nhằm thu hút cá nhân là nhân lực công nghệ cao, chính sách thuế với cá nhân có thu nhập từ trúng thưởng.
Cuối cùng, với thuế tài nguyên, một số quy định hiện hành chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan và chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ, quy định về người nộp thuế trong trường hợp khai thác nhỏ lẻ (hầu hết không được cấp phép khai thác) là chưa phù hợp với Luật Khoáng sản. Quy định về giá tính thuế tài nguyên với nước thiên nhiên cho sản xuất thuỷ điện và tài nguyên khai thác xuất khẩu là chưa phù hợp với quy định pháp luật về điện lực, hải quan.
Để khắc phục những bất cập này và thực hiện các mục tiêu đã nêu, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật về thuế, thu thập kinh nghiệm quốc tế về cải cách các sắc thuế, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế.
Những định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách Bộ Tài chính đề xuất đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xem xét, cho ý kiến tại cuộc họp ngày 8/8/2017 với các bộ liên quan, và cơ bản nhận được sự đồng tình về các nội dung đề xuất sửa đổi để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi theo quy định của pháp luật./.
D.A
Theo Thời báo tài chính Việt Nam Online
3,750
Nguồn
https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/tai-chinh/17504/sua-5-luat-thue-cai-cach-dong-bo-he-thong-thue?newsid=170817&ui=09pJek5qVTVPQTTW&pi=09pBeE55MHdPQzB5TVMwd05DMHdNUTTW&ci=69682331